27/01/2019
Sóc Trăng ban hành Kế hoạch về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Với mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò quản lý Nhà nước và sự phối hợp của các cấp, các ngành nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách cải cách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, để bảo hiểm xã hội thật sự là một trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội; từng bước mở rộng và phát triển vững chắc diện bảo phủ bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân; đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng và lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, tăng mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội. Quản lý sử dụng có hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội của tỉnh từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Ngày 15 tháng 01 năm 2019, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình số 31-CTr/TU, ngày 30/8/2018 của Tỉnh ủy Sóc Trăng thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo đó, Kế hoạch này đề ra mục tiêu cụ thể như sau:
Một là, đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm trên 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động liên quan bảo hiểm xã hội, phấn đấu tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80% trở lên.
Hai là, đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85% trở lên.
Ba là, đến năm 2030: Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90% trở lên.
Để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, Kế hoạch này cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất là, tuyên truyền, phổ biến Chương trình số 31-CTr/TU của Tỉnh ủy.
Hai là, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Ba là, nâng cao năng lực và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Bốn là, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân./.
Hoàng Thọ